Thấm thoắt đã gần 10 năm trôi qua tôi mới có dịp về lại Hà Nội, thành phố của tuổi thơ tôi, của những trưa hè bắt ve, trèo sấu, của những sáng bánh cuốn Thanh Trì, hay những chiều bánh khúc Hàng Da…
Lũ bạn tôi kéo nhau đến khách sạn nơi tôi ở ngay sáng chủ nhật hôm sau. Chúng ríu rít hỏi han chuyện công việc, chuyện chồng con… Ôi, có bao nhiều điều để nói, để kể sau những năm tháng dài khi tôi xa Hà Nội. Bỗng một cô bạn bật hỏi : “Khi đi xa cậu nhớ gì nhất?”. Biết nói sao với bạn đây, mỗi góc phố, mỗi hàng cây… ký ức ùa về đầy ắp trong tôi. Nhưng có lẽ những kỷ niệm vui vẻ nhất của lứa tuổi “ô mai” chúng tôi khi ấy là những buổi chen chúc bên nhau quanh gánh bún ốc nóng hổi trong một góc phố gần nhà.
Tôi chợt thấy nhớ, thấy thèm những món quà vỉa hè, góc phố của Hà Nội xưa đến thế. Tôi bảo lũ bạn lần này về Hà Nội, mỗi ngày chúng phải dẫn tôi đi ăn một món, hôm nay bún ốc Phù đổng thiên vương, mai bánh cuốn Thanh trì, ngày kia ốc hấp Hồ Tây…. Tôi nghĩ bụng, nếu đi như thế thì chúng sẽ mất cả tháng mới có thể thoả mãn phần nào mong muốn của tôi. Nhưng, tôi không ngờ chúng đồng ý ngay và còn bảo sẽ giành cho tôi một sự bất ngờ thú vị nữa.
Không gian quán Ngon
Phố phường Hà Nội hôm nay thay đổi nhiều quá, có phần nào hơi ồn ào, và chật chội. Những con phố êm đềm có những ngôi biệt thự kiểu Pháp thời thuộc địa, nét kiến trúc riêng biệt đã làm nên vẻ đẹp mê hồn của Hà nội xưa, dường như đang dần mất đi để thay vào đó là những ngôi nhà bằng bê tông, những toà cao ốc hiện đại sáng choang i-nox và kính. Mấy cô bạn dẫn tôi tới phố Phan Bội Châu. Ngày xưa chúng tôi thường rủ nhau tới đây để ăn chè sen, chả là chè sen Phan Bội Châu thủa ấy ngon nổi tiếng mà.
Thời ấy, số nhà số 18 là một ngôi biệt thự rất đẹp được xây dựng theo phong cách Pháp, có những khuôn cửa lớn sơn màu xanh, những ban-công và những bức tường quét vôi vàng, những ô chớp cửa sổ sơn mầu xanh ngọc dường như chẳng mở bao giờ. Toàn bộ ngôi biệt thự có tường cao bao bọc, sân, vườn, cánh cổng bằng sắt luôn đóng im ỉm và cả cây ngọc lan lúc nào cũng xanh mướt, đối với lủ trẻ chúng tôi lúc đó là cả một thế giới bí ẩn, cao sang, chẳng ai dám mơ có một ngày mình sẽ được bước chân vào đó.
Quán Ăn Ngon – 18 Phan Bội Châu
Cả ngôi biệt thự năm xưa nay đã trở thành một quán ăn thật đặc biệt mang tên “ Quán Ăn Ngon”. Mà ngon thật, chẳng phải cao lương mỹ vị gì, vẫn là những món ăn dân dã năm ấy thôi, nào bún ốc, bún chả, nem cua, bánh cuốn, bánh đúc, bánh đa… Dường như mọi món ăn bình dị nhưng đã trở thành “thương hiệu ẩm thực” của Hà Nội và các vùng quê lân cận đều được phục vụ tại đây.
Sẽ là rất thiếu nếu không kể đến các món ăn cũng thuộc loại dân dã của Miền Trung và cả Miền Nam nữa, nào bún bò Huế, cơm hến, tôm chua, nem lụi, hủ tiếu Nam vang…, nhưng đặc biệt hơn cả là hàng chục món chè của cả ba Miền, có những món là chè truyền thống và cũng có những món thật đặc biệt với cái tên rất thơ mộng là chè Hạt lựu sương sa. Và tất nhiên rồi, ở Quán Ăn Ngon còn có cả món chè sen của thời thơ ấu chúng tôi nữa.
Món ngon tại Quán Ngon
Chúng tôi sung sướng ngồi bên nhau thưởng thức những món ăn quê trong khung cảnh lãng mạn của ngôi biệt thự kiểu Pháp giữa lòng thủ đô đang nhộn nhịp hướng tới kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, thật chẳng thể nào thú vị hơn được. Món ăn dường như ngon hơn, hấp dẫn trong một không gian kiến trúc thuộc đia Pháp đặc trưng của phong cách kiến trúc Hà Nội. Toàn bộ khu vườn xưa trầm mặc, nay được sắp xếp, trang trí theo phong cách thuần Việt tạo cho thực khách một cảm giác như đang lạc vào một khu chợ quê sầm uất với mấy chục hàng quà bánh các loại, các miền.
Bất cứ ai, dù là sinh ra và lớn lên ở đâu trên đất nước này khi đến với Quán Ăn Ngon đều có thể tìm thấy ở đó một vài món ăn ngon mang hồn quê mình ở đó. Nỗi nhớ quê hương chắc hẳn sẽ nguôi ngoai.
Tôi chia tay đám bạn, lòng còn lưu luyến không gian của Quán Ăn Ngon – một không gian ẩm thực ấm áp tình quê và đậm đà phong vị ẩm thực Việt.
Các thông tin khác: