Gỏi cuốn Sài Gòn

Gỏi cuốn Sài Gòn – món ăn phổ biến ở thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ với độ thơm ngon, bổ dưỡng, bắt mắt đã được Tổ chức kỷ lục Châu Á xác lập danh hiệu “Thức ăn mang giá trị ẩm thực của khu vực”.

Trong các món ăn ngon Nam Bộ, gỏi cuốn là món ăn chơi dân dã gần gũi, quen thuộc thơm lạ ngon miệng. Thiên nhiên đa dạng phong phú của vùng đất phương Nam với núi rừng, biển, sông nước tạo nhiều nguồn nguyên liệu ẩm thực thủy hải sản, gia cầm, rau… làm cơ sở cho món cuốn phát triển. Gỏi cuốn lấy nguyên liệu từ thực phẩm thông dụng: thịt, cá, tôm, trứng, rau sống, rau thơm… dùng bánh tráng làm vỏ cuốn bên ngoài. Khi ăn kèm theo một bát nước chấm được pha chế thật ngon.

Gỏi cuốn bao gồm nhiều thành phần: bánh tráng dẻo, tôm sú hoặc tôm đất, thịt ba chỉ, gia vị (tỏi, muối đường), bún tươi, giá sống, xà lách, rau thơm, hẹ lá. Các nguyên liệu thịt, tôm thường được dùng phương pháp luộc và hấp để làm chín. Bánh tráng và rau thuộc hai thức chính không thể thiếu. Bánh tráng làm bằng bột gạo. Gạo sau khi được vo sạch, ngâm nước, xay mịn, chế thành bột nước, đem tráng trên một miếng vải căng trên miệng một nồi nước đang sôi. Bánh chín được nhấc lên khói mặt vải, trải lên vỉ tre phơi nắng cho khô.

Sau lúc bánh khô gỡ ra khỏi vỉ, cắt vành bánh cho đều xếp lại bảo quản tránh ẩm ướt. Rau gia vị và ăn kèm gồm hàng chục loại rau thơm, dưa chuột, hẹ cắt ngang thân, cà rốt, củ cải ngâm dấm, củ hành tươi chẻ dọc. Phần quan trọng nhất trong gỏi cuốn là nhân bên trong tạo hương vị cho món gỏi cuốn. Với một đĩa trứng, rau thái mỏng cho tới miếng thịt lợn ba chỉ luộc đã có thể tạo ra món cuốn đơn giản ngon lành. Còn có thêm đặc sản cao cấp hơn: cá lọc nướng, cá diêu hồng hấp, bắp bò hấp sả, cá mú sao… trong miếng gỏi cuốn sẽ tạo nên hương vị ngon thơm khác lạ.

Gỏi cuốn tôm thịt

Chế biến gỏi cuốn thông thường, người ta dùng tôm, thịt rửa sạch để ráo nước. Luộc thịt chín vớt ra ngâm nước nguội, ráo nước đem cắt lát mỏng. Tôm được rút chỉ đen trên lưng đem luộc bằng nước sôi có vắt chanh cả vỏ khử mùi tanh. Tôm chín bóc vỏ chẻ đôi. Nước chấm gỏi cuốn là tương phá (tương đen) chế từ tương hột ngon, chè đậu trắng, nước dừa tươi, nước cốt me, tỏi băm, đậu phụng rang giã, mè rang giã, ớt băm, dầu ăn, hành tím băm.

Cuốn gỏi bằng cách trải bánh tráng ra mâm, thấm ít nước cho bánh hơi mềm. Gập đôi bánh lại, đặt rau thơm, xà lách, bún, tôm, thịt và một cọng hẹ vào khoảng giữa bánh, gấp đôi mép hai bên bánh tráng lại, cuốn tròn chặt tay một vòng, đặt cọng hẹ vào, một đầu hẹ ló ra dài độ 3 – 4 cm.

Sau đó, tiếp tục cuốn đều cho hết bánh tráng, dán mép lại bằng nước. Xếp gói cuốn ra mẹt tre lót lá chuối xanh, hay ra đĩa, ăn kèm với tương. Khi cuốn gỏi đặt tôm phía gần cuối cuộn tạo cho tôm lộ màu đỏ tươi trông đẹp. Gói cuốn đều, chặt tay, bắt mắt. Nguyên liệu tôm, thịt nổi rõ dưới lớp bánh mỏng. Hương thơm ngon của tương và các gia vị phối hợp tạo cho gỏi cuốn khi chấm ăn có hương vị ngọt dịu, hơi mặn.

Gỏi cuốn Sài Gòn, món ngon vừa bình dân vừa sang trọng với các kiểu chế biến được nhiều hạng khách hàng và đặc biệt khách quốc tế ưa thích.

Vĩnh Hưng – Báo Ảnh

Posted in: Món ngon