Chè hoa cau – Hương vị Hà Thành

Cô lấy chồng trên phố, mỗi lần về quê giỗ bà cô lại nấu chè hoa cau. Đặt bát chè đặc sánh ánh vàng, thắp nén nhang cô lại hồi tưởng những ngày bà còn sống, mỗi lần ra thăm cô bà thích nhất món chè hoa cau cô nấu. Bà thường bảo, chè hoa cau như tính cách người con gái xứ kinh kỳ này vậy, mang hương vị thanh tao, nhẹ nhõm nhưng vẫn nồng nàn, khó quên.

Chè hoa cau

Ai đã từng ăn chè hoa cau đều có nhận xét như bà tôi ngày ấy. Không quá sang trọng, những nguyên liệu làm nên linh hồn cho bát chè trứ danh xứ kinh kì này chính là những vật phẩm gần gũi của những vùng quê: bột sắn, đỗ xanh, hoa bưởi hay hoa nhài. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng bằng sự khéo léo, cái tâm của người thiếu nữ, bằng hương vị truyền thống, nguồn cội đã thổi hồn làm chè hoa cau tỏa hương làm “say lòng”cả những chuyên gia ẩm thực khó tính nhất.

Chè hoa cau, nhiều người khi mới nghe cứ tưởng rằng đó là món chè được nấu bằng hoa cau nhưng không phải thế, mà bởi đỗ xanh vàng ươm trong bát chè giống như những bông hoa cau rụng xuống sân nhà vào mỗi buổi sớm mai. Mỗi khi cô nấu chè tôi thường luẩn quẩn bên cô hỏi đủ thứ chuyện và nhờ cô truyền “bí quyết”. Tuy món này đơn giản nhưng để nấu ngon và dậy lên hương vị không phải ai cũng biết.

Theo kinh nghiệm của cô tôi, đỗ dùng để nấu chè phải là loại đỗ xanh hạt tiêu, tuy nhỏ nhưng ruột vàng, khi đồ lên sẽ cho vị thơm và ăn sẽ bùi hơn hạt đõ to. Sau khi ngâm đỗ nửa ngày, đem ra đãi và rắc vài hạt muối vào, để ráo nước mới đem đồ trong chõ. Nấu chè cũng vậy, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại lắm công phu. Cô không bao giờ cho lửa quá to mà chỉ để lửa liu riu và tay khuấy bột cũng thật đều đặn, thấy nước hơi sánh lại là ngừng ngay để tránh cho bột không già quá mà cũng không non quá rồi cho nước đun hoa vào, rắc đậu 1 cách khéo léo.

Các loại chè, trong đó có chè hoa cau

Trong khi “truyền nghề” lại cho tôi, cô còn kể chuyện người xưa muốn đưa hương hoa thơm đượm hơn, người ta còn ướp hoa vào bát đựng chè. Bát đựng chè phải kén những chiếc bát sứ Giang Tây, vừa thanh mỏng vừa nhỏ nhẹ và miệng bát phải bít vàng, lòng men trắng bóng. Khi kén được chiếc bát vừa ý sẽ tiến hành ướp hoa vào trong lòng bát. Cách ướp hoa cũng thật cầu kỳ và công phu. Các bà, các mẹ dùng cát sông đã rửa sạch mang ra rang nóng rồi đổ ra nong. Sau đó lấy giấy bản trải lên rồi đem hoa nhài hoặc hoa bưởi để trên giấy, úp chén lên trên. Mỗi chén úp vài bông hoa. Cát nóng làm hoa bốc hơi, đọng lại hương thơm trong lòng bát. Rồi cứ thế, từng bát chè được múc ra sóng sánh, hương hoa dìu dịu, tinh khiết.

Ngày nay thì đơn giản hơn, người ta chỉ dùng nước cốt hoa hoặc vani vào để tạo mùi thơm, nhưng hương vị sẽ kém phần đậm đà hơn. Có lẽ vị ngon ngọt, mát lành của bột sắn thoảng hương hoa nhài quyện lấy vị đỗ bùi bùi quyến luyến nhau đã tạo nên một hương vị rất riêng. Thế mới biết nghệ thuật ẩm thực cho dù có đơn giản đi chăng nữa thì dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ đảm đang sẽ được nâng lên tầm nghệ thuật. Họ không chỉ tinh tế trong cách thưởng thức mà còn biết nâng cao những sản phẩm bình dân thành những món ăn tinh túy và ý nghĩa.

Chè hoa cau là món chè không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, tết nhất ngày xưa, và dĩ nhiên trong mâm cỗ cúng bà tôi cũng không thể nào vắng mặt.

Bích Diệu

Posted in: Món ngon